Hanoi Petcare - Chien Vet

Bệnh Parvo virus ở chó

Đăng bởi Anna Lee vào lúc 12/04/2020

I. Khái niệm về bệnh

Bệnh viêm ruột tiêu chảy do Parvovirus (Parvovirus) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của loài chó do một loại virus thuộc nhóm Parvovirus gây ra. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh là hiện tượng viêm dạ dày ruột có xuất huyết.

Bệnh có khắp nơi trên thế giới, ở Việt Nam, bệnh thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại lớn cho người  chăn nuôi chó.

II. Mầm bệnh

Nguyên nhân gây ra bệnh là do một virus nằm trong họ Parvoviride, nhóm Parvovirus và thuộc Typ II (Parvovirus Typ I không gây bệnh). Đây là 1 ADN virus có hình cầu với kích thước khoảng 18 - 24 hm với cấu trúc capxit gồm 32 capxome, nhân là 1 phân tử ADN 1 sợi.

Virus có hướng tế bào niêm mạc đường tiêu hoá và các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Từ chó bệnh, virus được đào thải ra ngoài theo phân và tồn tại lâu tại môi trường. Đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm.

Virus không bền với nhiệt độ cao và nhanh chóng bị tiêu diệt bởi các chất sát trùng thông thường.

III. Dịch tễ học

3.1. Loài mắc bệnh

Đây là bệnh truyền nhiễm của loài chó, ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở chó 1 - 12 tháng tuổi. Khi bệnh xảy ra thường lây lan nhanh và gây chết hàng loạt chó con. Tỷ lệ chết rất cao: 90 - 100%.

3.2. Đường xâm nhập và cách lây lan

Bệnh có thể lây trực tiếp từ con ốm sang con khoẻ qua tiếp xúc hoặc lây gián tiếp. Virus thường theo thức ăn, nước uống vào đường tiêu hoá của con vật khoẻ rồi xâm nhập vào máu để gây bệnh.

3.3. Cách sinh bệnh

Virus có hướng tế bào niêm mạc đường tiêu hoá và các tế bào có thẩm quyền miễn dịch thuộc hệ thống miễn dịch của cơ thể. Sau khi xâm nhập vào đường tiêu hoá, Virus tấn công vào các tế bào của niêm mạc đường ruột gây hiện tượng viêm dạ dày, ruột cấp tính và gây ỉa chảy. Sau đó Virus xâm nhập vào máu, hạch lympho, nhân lên trong các tế bào bạch cầu phá huỷ bạch cầu làm giảm số lượng bạch cầu, gây suy giảm miễn dịch.

IV. Triệu chứng

Thời gian nung bệnh khoảng 7 ngày. Bệnh thường biểu hiện ở 3 dạng chủ yếu như sau:

4.1. Dạng đường ruột

Đây là dạng phổ biến nhất, thường mắc ở chó 6 - 12 tuần tuổi. Chó sốt kéo dài từ lúc phát bệnh đến lúc chó bị đi ỉa chảy nặng. Con vật ủ rũ, ít ăn hoặc bỏ ăn, nôn mửa. Chó đi ỉa chảy, phân có màu hồng hoặc có lẫn máu tươi, có lẫn cả niêm mạc ruột và chất keo nhầy, phân có mùi tanh rất đặc trưng như ruột cá mè phơi nắng. Chó thường chết do ỉa chảy mất nước, mất cân bằng điện giải, sốc do nội độc tố hoặc nhiễm trùng thứ phát. Những con khỏi bệnh trở thành nguồn bệnh.

4.2. Dạng viêm cơ tim

Dạng này hay gặp ở chó con 4 - 8 tuần tuổi. Chó bệnh bị suy tim cấp do virus tấn công gây hoại tử cơ tim. Con vật thường chưa biểu hiện triệu chứng gì nhưng lăn ra chết đột ngột. Những trường hợp khác có thể thấy chó biểu hiện thiếu máu nặng, niêm mạc nhợt nhạt hay thâm tím, thở khó, nôn mửa và kêu la rồi lăn ra chết. Tỷ lệ chết có tới 50%.

4.3. Dạng kết hợp tim - ruột

Gặp ở chó 6 - 16 tuần tuổi, con vật chết nhanh sau 24 giờ tính từ khi có triệu chứng đầu tiên, do ỉa chảy nặng, thiếu máu, sốc tim và phù phổi.

V. Chẩn đoán

Chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, cần phân biệt với bệnh Care vì cả 2 bệnh đều mắc ở chó con và đi ỉa chảy có máu nhưng bệnh Care phân có màu càphê, có biểu hiện thần kinh và xuất hiện các nốt sài trên da. Bệnh do Parvovirus phân có màu hồng và mùi tanh đặc trưng.

VI. Phòng và trị bệnh

6.1. Phòng bệnh

Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt là biện pháp quan trọng. Giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở cho chó, thường xuyên tiêu độc chuồng, cũi nuôi, dụng cụ ăn uống, môi trường xung quanh bằng các chất sát trùng thích hợp, không thả rông chó để tránh tiếp xúc với mầm bệnh.

Tiêm phòng vacxin cho chó. Hiện tại, ở nước ta đang sử dụng một số loại vacxin đa giá nhập ngoại DHPPi.L của các hãng Virbac, Merial. Vacxin được tiêm cho chó bắt đầu từ 6 - 7 tuần tuổi, nhắc lại sau 3 - 4 tuần và định kỳ tái chủng 1 năm 1 lần.

6.2. Điều trị

Nguyên lý của việc điều trị bệnh này là tăng cường sức đề kháng và chống nhiễm trùng kế phát

Bổ sung nước và chất điện giải bằng biện pháp cho uống ozeron 5%, tiếp nước muối sinh lý 0,9% hay nước đường Glucoza 5% vào tĩnh mạch chó.

Dùng các loại kháng sinh hoạt phổ rộng để diệt vi khuẩn bội nhiễm.

Tags : các vấn đề về chó
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Hanoi Petcare - Chien Vet
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn
Danh mục
02466811712